1. Công dụng thuốc Orlacmin
Thuốc Orlacmin chứa thành phần chính là các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 với các tác dụng cụ thể như sau:
- Vitamin B1: là chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của tất cả các mô cơ thể vì tạo ra adenosine triphosphate (ATP) giúp vận chuyển năng lượng bên trong tế bào. Về dược động học, vitamin B1 hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hoá và thải trừ qua nước tiểu;
- Vitamin B6: đóng vai trò thiết yếu trong một loạt chức năng thể chất và tâm lý của cơ thể, giúp duy trì chức năng thần kinh, chức năng gan, trao đổi chất, tăng cường năng lượng cũng như tốt cho da, tóc và móng. Về dược động học vitamin B6 hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, phần lớn dự trữ ở gan và một phần ở cơ và não, cuối cùng là thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng chuyển hoá;
- Vitamin B12: đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN
Thuốc Orlacmin thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Thiếu vitamin nhóm B;
- Đau đầu, trẻ em suy nhược chậm lớn;
- Bất ổn hệ thần kinh như đau dây thần kinh, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh mắt, viêm dây thần kinh do tiểu đường và do rượu;
- Viêm đa dây thần kinh, đau thần kinh tọa, co giật do tăng cảm ứng của hệ thống thần kinh trung ương;
- Bệnh Zona;
- Dự phòng và điều trị nôn, buồn nôn trong thời kỳ mang thai;
- Thiếu máu do thiếu vitamin B6, vitamin B12;
- Hồi phục và duy trì sức khoẻ sau khi khỏi ốm, làm việc quá sức hoặc người lớn tuổi.
Các chống chỉ định của thuốc Orlacmin gồm:
- Bệnh nhân quá mẫn với vitamin B1, B6 và B12 của thuốc Orlacmin;
- U ác tính;
- Bệnh nhân có cơ địa dị ứng (hen, eczema).
2. Liều sử dụng của thuốc Orlacmin
Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Orlacmin sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:
- Người lớn: 1 viên/lần x 2 lần/ngày;
- Trẻ em trên 12 tuổi: 1 viên x 1 lần/ngày;
- Thay đổi liều tuỳ thuộc vào chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh nhân khi dùng quá liều vitamin B6 như liều cao 2-7g/ngày hoặc trên 0,2g/ngày kéo dài hơn 2 tháng sẽ làm tiến triển bệnh thần kinh giác quan với các triệu chứng mất điều hoà và tê cóng chân tay. Các triệu chứng sẽ hồi phục sau khi ngưng thuốc 6 tháng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Orlacmin
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Orlacmin có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Vitamin B1: có thể gây phản ứng quá mẫn, cảm giác kim châm, ngứa, đau nhức, nổi mày đay, đổ mồ hôi, mất ngủ, nghẹn cổ họng, phù mạch, suy hô hấp, chứng xanh tím, phù phổi, xuất huyết tiêu hoá, giãn mạch và hạ huyết áp thoáng qua, truỵ mạch và tử vong;
- Vitamin B6: làm tiến triển nặng thêm bệnh thần kinh ngoại vi khi dùng liều cao;
- Vitamin B12: chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Orlacmin
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Orlacmin gồm:
- Hiệu quả và tính an toàn của Orlacmin vẫn chưa được đánh giá trên trẻ em dưới 12 tuổi;
- Không dùng Orlacmin cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ngộ độc thuốc ở trẻ sơ sinh;
- Thận trọng khi sử dụng Orlacmin cho phụ nữ đang cho con bú vì vitamin B6 có thể gây ức chế tiết sữa do ngăn chặn tác động của Prolactin;
- Vitamin B1 trong Orlacmin có thể làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế thần kinh cơ;
- Vitamin B6 trong Orlacmin có thể làm giảm hiệu quả Levodopa nhưng tương tác này không xảy ra nếu dùng kèm một chất ức chế men dopa decarboxylase;
- Vitamin B6 có thể làm giảm hoạt tính của altretamin, làm giảm nồng độ phenobarbital và phenytoin trong huyết thanh;
- Một số thuốc có thể làm tăng nhu cầu vitamin B6 như Hydralazin, Isoniazid, Penicillamine và các thuốc tránh thai đường uống.